Trong tháng 2 và 3 năm 2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát ở nước ta và ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi lợn nói riêng và kinh tế xã hội cả nước. Mặc dù, bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh nhưng không lây sang người. Để có thêm thông tin về bệnh truyền nhiễm này, tôi xin tổng hợp một số thông tin cơ bản về bệnh để bạn đọc cùng tham khảo.
Lịch sử
Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra vào năm 1907 tại Kenya. Đến 1957, bệnh được phát hiện ở Lisbon, Bồ Đào Nha. Sau đó, một vụ dịch nữa xảy ra ở Bồ Đào Nha vào năm 1960. Năm 1971, dịch đã xảy ra ở Cuba và phải giết 500.000 con lợn để ngăn chặn dịch bệnh trên toàn quốc. Sau những vụ dịch ban đầu này, căn bệnh đã được hình thành ở bán đảo Iberia và bùng phát lẻ tẻ ở Pháp, Bỉ và các nước châu Âu khác trong những năm 1980.
Đầu năm 2007, dịch xảy ra tại Gruzia và sau đó lan sang Armenia, Azerbaijan, Iran, Nga và Belarus. Tháng 8 năm 2012, dịch tả lợn ở châu Phi đã xuất hiện ở Ukraine. Tháng 6 năm 2013, dịch bùng phát ở Belarus. Tháng 1 năm 2014, dịch đã được phát hiện ở Litva và Ba Lan, và lan sang Latvia vào tháng 6 cùng năm và tháng 7 năm 2015 xuất hiện tại Estonia. Tháng 6 năm 2017, Cộng hòa Séc đã ghi nhận trường hợp đầu tiên trong lịch sử về bệnh dịch tả lợn ở châu Phi. Năm 2018, Romania đã trải qua một đại dịch tả lợn châu Phi trên toàn quốc, khiến cho hầu hết lợn nông trại bị giết bỏ. Tháng 8 năm 2018, các nhà chức trách thông báo đợt bùng phát đầu tiên của dịch tả lợn châu Phi tại Bulgaria. Tháng 9 năm 2018, một vụ dịch đã xảy ra ở lợn rừng ở miền Nam nước Bỉ. Tháng 8 năm 2018, Trung Quốc đã báo cáo dịch cúm lợn châu Phi đầu tiên bùng phát ở tỉnh Liêu Ninh, đây cũng là trường hợp được báo cáo đầu tiên ở Đông Á. Đến cuối năm 2018, các vụ dịch đã được báo cáo ở 23 tỉnh và thành phố trên khắp Trung Quốc.
Ở Việt Nam: Ngày 19/2/2019, Cục Thú Y thông báo đã phát hiện dịch tả lợn châu Phi ở TP Hải Dương và Yên Mỹ (Hải Dương) và Hưng Hà (Thái Bình). Tính đến ngày 29 tháng 3 năm 2019, dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 23 tỉnh tại Việt Nam: Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, Thái Bình, Hưng Yên, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Sơn La, Nghệ An, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Thừa Thiên – Huế, Lai Châu, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và Quảng Trị.
Nguyên nhân
Bệnh dịch tả lợn châu Phi (African Swine Fever) gây ra bởi virus African swine fever virus (ASFV). ASFV là một virus DNA sợi kép lớn, nhân lên trong tế bào chất của các tế bào bị nhiễm bệnh. ASFV là virus duy nhất được biết đến với bộ gen DNA sợi kép được truyền bởi động vật chân đốt. ASFV là loài đặc hữu ở lân cận Sahara châu Phi và tồn tại trong tự nhiên thông qua một chu kỳ lây nhiễm từ ve và lợn rừng, lợn lông rậm… Bệnh này được mô tả lần đầu tiên sau khi những người định cư châu Âu đưa lợn vào khu vực có ASFV và đây là một ví dụ về bệnh truyền nhiễm mới nổi.
Ở Trung Quốc, Ze Chen và Shan Gao ở Đại học Nankai đã phát hiện ASFV ở loài ve cứng ở cừu và bò bằng cách sử dụng giải trình tự RNA nhỏ. Các tác giả cho biết một chủng ASFV mới tồn tại, khác với tất cả các chủng ASFV được báo cáo trong cơ sở dữ liệu NCBI GenBank và chủng ASFV.
Cần nói thêm, dịch tả lợn châu Phi khác với dịch tả lợn cổ điển (Classical Swine Fever). Dịch tả cổ điển do một loại virus có cấu trúc ARN thuộc Pestis virus, họ Flaviridae gây ra. Virus dịch tả cổ điển tồn tại lâu ở ngoài môi trường, có thể sống sót vài ngày trong phân lợn, vài tháng đến vài năm trong thịt đông lạnh.
Triệu chứng
Ở dạng cấp tính, bệnh gây ra bởi các chủng virus có độc lực cao, lợn có thể bị sốt cao, nhưng không có triệu chứng đáng chú ý nào khác trong vài ngày đầu. Sau đó, lợn dần mất cảm giác ngon miệng và trở nên chán nản. Ở lợn da trắng, tứ chi chuyển sang màu xanh tím và xuất huyết trở nên rõ ràng trên tai và bụng. Lợn bị nhiễm bệnh nằm co ro, run rẩy, thở bất thường và đôi khi ho. Nếu bị buộc phải đứng, chúng có vẻ đứng không được ổn định. Trong vài ngày bị nhiễm trùng, lợn rơi vào trạng thái hôn mê và sau đó chết. Ở lợn nái mang thai, sẩy thai tự nhiên xảy ra.
Ở thể mạn tính với nhiễm trùng nhẹ, lợn bị nhiễm bệnh sẽ giảm cân, gầy và phát triển các dấu hiệu viêm phổi, loét da và sưng khớp.
Chuẩn đoán
Các triệu chứng lâm sàng của nhiễm ASFV rất giống với dịch tả lợn cổ điển, và hai bệnh thường phải được phân biệt bằng chẩn đoán trong phòng thí nghiệm. Chẩn đoán này thường được thực hiện bằng ELISA hoặc phân lập virus từ máu, hạch bạch huyết, lá lách hoặc huyết thanh của lợn bị nhiễm bệnh.
Phòng và khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi
– Kiểm soát dựa vào quy trình an toàn sinh học
Các chuyên gia hàng đầu về dịch tả lợn châu Phi cho rằng bệnh có thể được ngăn chặn nếu chúng ta tuân thủ quy trình an toàn sinh học. Các chuyên gia khẳng định rằng “Đừng sợ. dịch tả lợn châu Phi là một bệnh có thể kiểm soát được”.
– Vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi
Hiện nay chưa có vaccine phòng dịch tả lượn châu Phi mặc dù các nhà khoa học đang nổ lực nghiên cứu. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng chế vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi là điều vô cùng khó khăn bởi virus này khá phức tạp.
– Kinh nghiệm khống chế bệnh
Kinh nghiệm của Tây Ban Nha cho thấy, để thanh toán bệnh dựa trên phát hiện động vật nhiễm ASFV bằng chẩn đoán ở phòng thí nghiệm (ELISA) và thực hiện các biện pháp vệ sinh nghiêm ngặt. Nước này mất 10 năm (1985 – 1995) để khống chế dịch tả lợn châu Phi. Năm 1995, Tây Ban Nha tuyên bố loại bỏ dịch tả châu Phi.