(VietNamNet) – Ngày làm việc bắt đầu từ 2h30 sáng, không phân biệt nam nữ. Mà cũng không thể “nướng” hơn được, bởi…có ngủ được đâu. Các sinh viên tình nguyện vẫn kháo nhau: “Ai ngủ được sẽ có thưởng”. Ngủ làm sao nổi khi chỉ có vài tờ báo lót nền, xung quang toàn muỗi, chỉ cần huơ tay là đã có vài con chết.
Những ngày cuối…ở bến xe
Từ ngày 30/6, số lượng thí sinh đổ về thành phố dồn dập, với trên 2.000 em mỗingày. Đã ba lần ghé bến xe Miền Đông vào các buổi sáng, trưa, chiều, tối, cả lúc nắng cũng như mưa, nhưng lần nào cũng phải ra về tay không vì thấy các bạn sinh viên quá bận rộn, không nỡ làm phiền.
Hồng Thi, sinh viên (SV)CĐ Kinh Tế Đối Ngoại cho biết lịch làm việc: tối 9h, tụi em tới đây ngủ. Khoảng 2h sáng là dậy để đón thí sinh. Và làm việc cho đến chiều tối. Đầu mùa chiến dịch, tụi em còn có thời gian nghỉ ngơi, ăn uống. Chứ mấy hôm nay thì…
Tôi dự định sẽ cùng các tình nguyện viên thức trọn một đêm ở bến xe. Nhưng lại phải bỏ cuộc vài lần. Mặc dù đã trang bị kem chống muỗi, bận áo dài tay. Nhưng…vẫn bị muỗi tra tấn suốt đêm. Cả những tiếng vỗ lốp bốp của các bạn SV ngay bên cạnh. Nam cũng như nữ, giường ngủ chỉ là mấy tờ báo quảng cáo trải ra. Không mùng mền chăn gối. Cố lắm cũng chỉ lật qua lật lại cho đến 12h!
Thế mà, các bạn SV tình nguyện lại thay ca nhau ngủ cả tháng trời. Hai rưỡi sáng lại phải vào vị trí…
6h sáng nay, có mặt tại bến xe, hơn 50 SV tình nguyện đã có mặt. Trước đây, SV còn chia theo ca. Nhưng những ngày cuối nay, huy động tất cả lực lượng. Thế mà…ai cũng luôn tay luôn chân. Khó mà có thể trò chuyện với ai quá 5 phút. Và cuộc trò chuyện luôn bị cắt ngang bởi các thí sinh và các chuyến xe.
“Xe tới kìa”, “Em về đâu, có chỗ trọ chưa?”, “Ai đưa em này ra xe buýt giùm”, “Đường Độc Lập nằm đâu vậy đội trưởng”…là những âm thanh của khu vực…”tiếp sức mùa thi” tại bến xe.
Thỉnh thoảng các bạn lại thay đổi công việc cho nhau. Đón thí sinh mệt quá thì vô gốc cây ngồi viết hướng dẫn cho thí sinh vào một tờ giấy được cắt sẵn: Tuyến 14, miền Đồng-miền Tây, xuống trạm Phùng Khắc Khoan, đi bộ đến…Nhóm này ngồi ghi một lúc, sẽ có nhóm khác đến thay thế. 12h trưa, các bạn vẫn chưa thu xếp được để ăn cơm.
Mới ngồi chơi với các SV tình nguyện vài giờ, tôi đã thấy mệt mỏi, không thể mở miệng cười tươi được. Vậy mà, quan sát thấy, SV nào cũng cười tươi, nhất là khi tiếp xúc với thí sinh và phụ huynh. Thỉnh thoảng các bạn lại trêu nhau vài câu để phá tan sự mệt mỏi. Đỗ Văn Quận nói nhỏ: “Nhiều khi cũng bực mình đấy chứ, việc làm không hết, dễ cáu, nhưng…mình làm mặt nặng mặt nhẹ thì còn ai dám đến với mình nữa”.
Tuy bận rộn, nhưng trông các tình nguyện viên sáng nay đỡ bơ phờ hơn. Hôm trước, đến thăm các bạn vào buổi chiều mưa, ai cũng như…chuột lột. Trời mưa, nhưng mồ hôi vẫn chảy ròng.
Và những tiếp sức âm thầm
Trong hộp thư mail của nhóm đồng hương: “Hội đồng hương đang kêu gọi chúng ta – dân đàn anh, đàn chị đi trước giúp cho các thí sinh trong đợt thi vào tháng 7/2005 này về việc nhà ở. Nếuđược, nhờ các bạnhướng dẫn trườngthi cho các thí sinh mới luôn. Nếu bạn nào có khả nănggiúpđỡ, dù chỉ một người,xin liên hệ qua hộp thư…”
Liên lạc với Hân, nhóm trưởng thì được biết: tụi em làm việc này lâu rồi, mỗi năm có khoảng 20 SV đăng ký giúp đỡ thí sinh. Năm sau thì số người tình nguyên đông hơn năm trước.
Đến mùa tuyển sinh, tụi em quy tụ nhau lại, gởi mail thông báo cho nhau để cùng nhau giúp đỡ thí sinh. Có cả những anh chị đã đi làm, đã lập gia đình và có sự nghiệp tại TP cũng nhiệt tình giúp đỡ.
Cũng là Hân, bật mí, còn có vài nhóm SV đồng hương tình nguyện làm tiếp sức âm thầm như thế. Thường thì họ lo chỗ ở, đưa đón thí sinh đi thi, tạo mọi cơ hội để thí sinh yên tâm đến trường thi. Sau này, nếu thí sinh nào đậu thì cũng lo cho chỗ trọ, dẫn dắt nhau trong cuộc sống.
Được Hân giới thiệu trước, nhưng tôi vẫn ngạc nhiên khi đến phòng trọ của N.H.T.Vy, căn phòng chỉ đủ cho 3 người sinh hoạt nhưng hôm nay đã có 6 người. Các bạn đang ăn cơm chung với nhau. Vy cho biết: “Tụi em trả thêm cho chủ nhà một trăm. Tuy chật nhưng chỉ mấy bữa nên cũng không bất tiện lắm. Tuần này tụi em nghỉ học, nên cùng nấu cơm để các em ăn luôn cho đỡ tốn tiền. Ra ngoài ăn, mỗi ngày cũng tốn 20.000 đồng đấy”.
Theo như Hân kể, nhóm đồng hương của Hân có 4 nhà đang ở ghép như thế. Và một nhóm khác, cũng có khoảng 7 phòng trọ các anh chị sinh viên gánh thêm vài thí sinh. Phòng nhỏ thì ghép 1-2, phòng lớn thì ghép đông hơn. Các anh chị sinh viên tự ý chia nhau để chở các thí sinh đi thi. Nếu không có xe thì cùng thí sinh…đi xe buýt.
Thanh Bình, thí sinh đang ở nhà Vy kể, mỗi ngày em tốn 2 ngàn tiền ăn sáng và 5 ngàn cho hai bữa trưa chiều. Các chị không cho đi chơi, bắt ở nhà ôn bài. Các chị bảo, nếu em thi đậu, sẽ khao em một chầu karaoke ban ngày. Lên đi thi, không phải lo chỗ ở, lại có người nấu cơm cho ăn, như thế là có phước rồi!