Đào tạo sinh viên theo đơn đặt hàng

    TTH – Năm học 2017 – 2018, Khoa Chăn nuôi Thú y, Trường đại học (ĐH) Nông lâm – ĐH Huế triển khai chương trình đào tạo sinh viên theo đơn đặt hàng. Đây là hướng đào tạo mới ở Huế, hứa hẹn đem lại hiệu quả nhiều mặt.


    Sinh viên Khoa Chăn nuôi Thú y trong giờ thực hành nghiên cứu

    Hướng đến chất lượng sinh viên

    PGS. TS. Nguyễn Xuân Bả, Trưởng khoa Chăn nuôi Thú y, Trường ĐH Nông lâm kể, ý tưởng đào tạo sinh viên theo đơn đặt hàng xuất phát từ trăn trở trong công tác đào tạo. Dù tỷ lệ sinh viên của khoa ra trường có việc làm cao nhưng vẫn còn hạn chế trong kỹ năng nghề và kỹ năng mềm. Hiện nay, có nhiều đơn vị đào tạo cùng ngành, để giữ thương hiệu và cạnh tranh được các đơn vị đó thì cần quan tâm chất lượng sinh viên, đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng.

    Sau khi trao đổi với nhiều doanh nghiệp, ý tưởng của Khoa Chăn nuôi Thú y nhận được sự ủng hộ của Công ty cổ phần GreenFeed Việt Nam. Hai đơn vị có nhiều buổi làm việc rồi đi đến thống nhất hướng đào tạo theo đơn đặt hàng, đợt đầu có 160 sinh viên, chia làm 4 lớp. “Đây là những sinh viên đã qua các kiến thức cơ bản, sắp bắt đầu năm 2 và 3. Tiêu chí chọn người học cho các lớp này là sinh viên tự nguyện đăng ký, sau đó xét từ trên xuống dựa vào điểm của năm học trước và điểm doanh nghiệp phỏng vấn”, ông Bả cho biết.

    Khác với cách đào tạo truyền thống, hướng đào tạo theo đơn đặt hàng có điểm khác biệt là doanh nghiệp tham gia cùng khoa và trường trong công tác đào tạo. Theo ông Bả, phía doanh nghiệp có nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm. Từ chương trình ban đầu, khoa và nhà trường cùng doanh nghiệp trao đổi xây dựng khung chương trình theo hướng cải tiến, mở rộng các học phần phù hợp công việc thực tế. Chuyên gia của công ty trực tiếp tham gia nói chuyện với sinh viên, tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng mềm, đồng thời tiếp nhận, hướng dẫn sinh viên thực tập tại doanh nghiệp và hỗ trợ hoàn toàn chi phí thực tập cho sinh viên. Trong quá trình đào tạo, doanh nghiệp cùng khoa đánh giá chất lượng sinh viên, chỉ ra điểm mạnh, yếu và hướng khắc phục cho người học. “Sinh viên có khoảng 5 tháng thực tập trong doanh nghiệp với hệ thống cơ sở vật chất hiện đại. Đây là một điểm rất hay”, ông Bả nói thêm.

    Chương trình đào tạo dựa vào mối quan hệ ràng buộc 3 bên. Khoa và nhà trường chịu trách nhiệm quản lý sinh viên, công tác đào tạo. Sinh viên theo học chương trình này cam kết làm việc ít nhất 1 năm cho doanh nghiệp sau khi ra trường; phía doanh nghiệp cam kết đồng hành nhà trường, hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo và tuyển dụng sinh viên theo học với mức lương cao hơn 2 bậc so với sinh viên không đào tạo theo chương trình này.

    Lương Quang Danh, sinh viên lớp Chăn nuôi K50 chia sẻ: “Cam kết 1 năm làm việc ở công ty là vừa đủ để sinh viên trải nghiệm kiến thức, kỹ năng mình được học và đủ để nhìn nhận bản thân có đam mê công việc, yêu doanh nghiệp không để tiếp tục gắn bó”.

    Tại cuộc làm việc với Khoa Chăn nuôi Thú y, ông Hồ Sĩ Lượng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần GreenFeed Việt Nam cho rằng, sinh viên Huế có ưu điểm cần cù, chịu khó, có trách nhiệm và tính gắn bó với công việc, đây là tố chất doanh nghiệp cần. Những điểm yếu của sinh viên khi tiếp cận thực tế công việc thì doanh nghiệp có thể khắc phục bằng cách phối hợp nhà trường trong đào tạo nên phía công ty ủng hộ chương trình này.

    Nên nhân rộng

    Trên thế giới, mô hình đào tạo theo đơn đặt hàng đang rất thành công ở châu Âu và một số nước châu Á, như Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan… Ở trong nước, hướng đào tạo này bước đầu được nhiều trường ĐH áp dụng và đem lại hiệu quả tốt. Điển hình như Trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải đang phối hợp một số doanh nghiệp Nhật Bản để đào tạo kỹ sư giàu năng lực, trình độ, khi ra trường có thể nắm bắt yêu cầu của doanh nghiệp. Năm học 2016 – 2017, có 20 kỹ sư tốt nghiệp sang làm việc tại Nhật Bản, thu nhập khoảng 50 – 60 triệu đồng/tháng.

    Tại Huế, hướng đào này còn mới. Lý do các đơn vị chưa triển khai là do gặp khó trong việc kết nối doanh nghiệp. Điều này có nguyên nhân từ hai phía, trong đó một phần do các trường chưa thực sự chủ động, phía còn lại do doanh nghiệp tại Huế chủ yếu là vừa và nhỏ, trong khi mô hình đào tạo nói trên cần sự đồng hành rất lớn của doanh nghiệp, nhất là nguồn kinh phí và cam kết đảm bảo đầu ra việc làm cho sinh viên.

    Ông Bả cho rằng, muốn thuyết phục được doanh nghiệp phối hợp đào tạo, đơn vị đào tạo phải chứng minh được hướng đào tạo đó có lợi ích rõ rệt cho các bên. Theo ông Bả, khó nhưng nếu quyết tâm thì vẫn làm được, trong đó kết nối với lực lượng cựu sinh viên cũng là một giải pháp. Các trường ĐH thành viên, khoa trực thuộc ĐH Huế có rất nhiều cựu sinh viên thành đạt, là chủ của những doanh nghiệp, phải tranh thủ mối quan hệ này để hợp tác trên tinh thần các bên cùng có lợi nhằm hướng đến cách đào tạo hiệu quả, giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.

    PGS. TS. Lê Văn An, Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm cho rằng, chương trình đào tạo theo đơn đặt hàng đem lại nhiều lợi ích và quan điểm của nhà trường là tạo điều kiện để các khoa kết nối doanh nghiệp, nhân rộng hướng đào tạo này. Mô hình của khoa Chăn nuôi Thú y sẽ là tiền đề cho những nghiên cứu và có thể nhân rộng ở các khoa khác.

    Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, không chỉ phát triển mối quan hệ với các doanh nghiệp trong nước, trong tương lai, cần nỗ lực hợp tác thêm các doanh nghiệp nước ngoài để đào tạo nguồn sinh viên đáp ứng thị trường lao động thời hội nhập.